Pages

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Thế nào là thành công?

Thế nào là thành công?

(đọc từ FB của 1 người bạn)

"Cô thật may là có đứa con thật tài giỏi"- nói một người phụ nữ trạc 60 tuổi.
Con trai của người phụ nữ kia - người cũng đã vào tuổi tám mươi, hiện đang làm việc ở nước ngoài trong ngành tài chính ngân hàng. Dường như mọi lý thuyết về sự thành công được lôi ra trong cuộc trao đổi giữa hai người phụ nữ này. Đối với họ, thành công của chính mình là việc nuôi dưỡng một đứa con thành tài, và thành công của một người đàn ông đơn giản là anh ta đạt được địa vị trong xã hội, làm việc ở nước ngoài với mức lương mấy nghìn đô. Người Việt Nam có những tiêu chí không quá khác so với những đất nước châu Á khác tôi từng đặt chân. Singapore cũng cho rằng trừ phi anh xuất sắc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và trở thành bác sĩ, luật sư thì anh cũng chỉ tầm thường mà thôi. Giá trị của con người cũng dần được số hoá theo thu nhập và miền đất anh ta được đi đến. Khi người ta nhìn vào thành quả, ít ai đặt câu hỏi như: anh đã từng làm thay đổi bao nhiêu con người? Anh đã từng tham gia những công tác từ thiện mà chính phủ nước ngoài còn năng động hơn cả người Việt? Anh đã từng giúp bao nhiêu bạn bè, người không quen qua sự khó khăn của họ? Anh đã từng chăm lo cho anh chị em một cách chu đáo? Giá trị ấy không được tôn vinh nhiều và cũng bị đánh giá khác so với thời xưa, khi 'tiên học lễ, hậu học văn' và 'thương người như thể thương thân' được ứng dụng hàng ngày. Tôi không thấy đáng trách những điều này, âu con người sinh ra đã là để chịu đau khổ và khi họ có được cái gọi là thành công ấy, tôi không có quyền phủ nhận công sức bao năm đã bỏ ra, và đâu họ có buôn lậu làm giàu mà tôi phải phẫn nộ. Cái tôi muốn nói đến vẫn là sự nhìn nhận có tính 'nông dân' của xã hội Việt Nam mà chắc nhiều thế hệ nữa mới có sự thay đổi, về khái niệm của sự thành công. Khi tôi đọc được những dòng tâm sự do một du học sinh Nhật viết cho người Việt thì cái sự 'thụt lùi' của chúng ta mới rõ rệt làm sao. Tôi lại nói chuyện văn hoá Nhật để có dẫn chứng đầy đủ. Ngoài sự có trên có dưới một cách rõ nét, dân Nhật tin rằng nếu họ làm được gì thì họ sẽ cố gắng hết sức và từ từ thành công sẽ đến. Ở Nhật tôi thấy nghệ nhân làm Sushi được cung kính và tôn trọng hết mực, người công nhân thì hết mình vì công viêc, người phục vụ trong nhà hàng thì kính cẩn và chu đáo. Nghệ nhân, công nhân hay bác sĩ cũng đều có nhân quyền, cũng đều tự hào về công việc của họ bởi họ đầu tư tâm trí vào mọi việc, bất kể đó là công việc gì. Kể để chê thì cũng không phải, lên án thì càng không vì dẫu sao một sự phát triển văn hoá không thể hình thành quá nhanh sau một hai thế hệ. Kể để chia sẻ, để đúc rút kinh nghiệm sống, để có cái nhìn đa chiều và để không nghĩ 'Việt Nam mà!' khi đối diện với những tiêu cực. 

Vậy thành công sẽ là như thế nào đây? Trong xã hội ta như bây giờ quả thực 'có thực mới vực được đạo' có nghĩa là ít ra anh cũng phải tìm được một công việc, một vị trí để thỏa mãn nhu cầu cơ bản hàng ngày. Thành công cũng phải bắt đầu với niềm tin và sự quyết tâm có mục đích, không phải chỉ để làm giàu cho mình và gia đình mà để có sự ảnh hưởng đến cho nhiều người hơn, cống hiến nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Khi đó, con đường dẫn đến thành công sẽ không chỉ giới hạn bằng việc đi ra nước ngoài làm việc, vì anh chỉ bán sức lao động cao cấp mà thôi, và cũng không dừng lại ở những cú làm ăn 'chộp giật' mang tính 'ăn may' vì cái gì đến nhanh cũng không bền. Có người nói với tôi rằng anh đã thành công ngoài sức tưởng tượng khi chưa đến 30 nhưng rồi của thiên trả địa, sau nhiều lần bị lừa rồi anh cũng lại bắt đầu gần như từ con số 0. Thành công như vậy phải trải qua một quá trình, bắt đầu với vô vàn khó khăn và luôn cần sự lạc quan tin vào chính mình. Hồi xưa tôi cũng bị 'mê hoặc' bởi khẩu hiệu 'triệu phú trước tuổi 30' và cho đó là cột mốc của sự thành công. Bạn tôi là một thiên tài về máy tính, từng làm lập trình và bán trong trường khi mới 13 tuổi. Anh không bao giờ chấp nhận đi làm thuê rẻ mạt mà tìm cách thành lập doanh nghiệp riêng ngay từ những ngày đầu bước chân vào đời. Lạ thay anh lại không thể đến được cái gọi là thành công bởi anh luôn tìm đường tắt để đến với nó, nôn nóng khi kết quả đến muộn, vụng về khi xử lý tình huống. Rõ ràng cái đầu thông minh chỉ là một phần và cái mốc 30 tuổi ấy ngày càng đến gần mà thành công thì lại ngày càng xa vời. 

Thành công cần có nguyên liệu - đó là kiến thức và kinh nghiệm thu nhặt mọi lúc mọi nơi. Tôi luôn cho rằng kể cả khi anh trở thành tiến sĩ giáo sư thì còn vô vàn thứ khác thiếu sót. Có một lần bạn tôi chia sẻ một bài báo nói về sự học tiến sĩ của anh. Bài báo này dùng một hình tròn làm hình tượng cho khối kiến thức mênh mông, và cái chúng ta học chỉ là một chấm tròn bé con ở tâm của hình tròn đó. Khi anh học lên thạc sỹ thì vòng tròn được nới rộng hơn chút về một hướng nhất định, ý là chuyên môn chính. Học lên tiến sỹ thì kéo dài con đường đó đến sát vành của vòng tròn. Và nếu có bất kỳ khám phá mới nào, thì anh chỉ đẩy lõm vòng tròn ấy ra phía ngoài bằng một chút xíu. Khi cái sự học nó mênh mông vậy, có hết đời cũng chỉ để lại được vài vết lõm mà thôi. Tuy nhiên thành công không có nghĩa là học hết, biết hết. Thành công cần có sự học chọn lọc, đúng món đúng thời. Giống như làm cái bánh thì bột phải nhào trước rồi mới cho các nguyên liệu khác. Khi còn là sinh viên thì học kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kiến thức xã hội chung chung. Khi đi làm thì học từ thực tế cho chuyên môn thêm vững vàng, học người học ta, bước qua những khó khăn vấp ngã để đời 'tôi' cho ta thêm chắc. Học cách thuyết phục, thương lượng, cách nói không, cách xử lý tình huống v..v.. Sự học là vĩnh cửu và đương nhiên học phải có mục đích thì mới 'ăn' ngay. 

Tôi hay tâm đắc câu 'biết người biết ta' vì điều này nghĩa là có một cái nhìn thật thực tế về bản thân. Điều này giúp ích cho ta lựa chọn sự nghiệp phù hợp nhất, một sự nghiệp dễ đang đưa ta đến thành công hơn. Bạn tôi từng hỏi khi tôi 18 tuổi ngấp nghé cổng trường vào đại học, tôi đã có sự lựa chọn nghề nghiệp nào chưa. Tôi trả lời rằng nếu bất kỳ ai khi 18 tuổi có câu trả lời rõ rệt tôi xin đi tìm để tầm sư học đạo, bởi người đó hẳn là sẽ rất thành công. Khi con người ta chưa trải qua thử thách, cái sự hiểu về bản thân còn quá sức nông cạn mà tôi cho rằng mọi 'nguyện vọng' lúc ấy còn mơ hồ và đầy tính 'thí nghiệm'. Học qua rồi nhiều người ngộ ra đó không phải cái mình mong muốn nhưng đã hơi trễ. Sinh viên ở Anh có được quyền đổi môn học sau năm thứ nhất để đảm bảo anh phát hiện kịp thời và thay đổi quyết định. Một số may mắn chọn đúng ngành nghề thì phát triển theo nó từ đầu. Tuy nhiên chắc phải qua những năm đưa chạm với thực tế thì cái 'biết ta' này mới được tô điểm rõ nét hơn. Đơn giản vì bấy giờ mọi sai lầm đều đi kèm hậu quả. Quá nhu mì sẽ bị người khác bắt nạt, quá kiêu căng sẽ bị tẩy chay, quá tài giỏi mà lại không có đạo đức thì thăng quan tiến chức nhanh nhưng không được phục và nể... Và đương nhiên nếu kém cỏi mà không có 'bề trên' nâng đỡ thì một là ngồi im tại chỗ hoặc sớm bị ép chuyển sang một công việc khác. Một bức tranh chân dung hiện lên ngày một rõ, có lẽ khác nhiều so với những gì ta ảo tưởng về chính mình. Khi hai tròng mắt của ta chỉ hướng ra phía trước để nhìn 'người' thì cách duy nhất để nhìn được 'ta' là qua con mắt của người khác. Vậy, hãy học cách chấp nhận 'sự thật phũ phàng' khi bị phê phán, hãy chắt lọc thông tin khéo léo để vừa biết được 'ta' vừa không bị tự ti. 

Tôi muốn chốt lại rằng thành công không đo bằng số tiền bạn có, mà đo bằng cái mà bạn cho đi được. Kể cả khi bạn chỉ là một giáo viên đứng trên bục giảng, bạn đang cho đi những kiến thức đúc kết bao năm, đang truyền cảm hứng cho những tâm hồn trẻ, đang giáo dục những điều cha mẹ còn thiếu sót để các trò trở thành công dân hữu ích. Khi bạn bắt đầu nhận được sự cảm ơn từ những người bạn không hề nghĩ đến thì tôi xin chúc mừng bạn. Hãy cho đi để nhận lại được nhiều hơn, và hãy luôn nhớ để giúp được người khác, hãy là một người giàu có: giàu tri thức, giàu tình thương, giàu lòng độ lượng, và cuối cùng mới là giàu tiền bạc vì đó là phương tiện bạn cần, chứ không phải là mục đích cuối cùng. 

Tôi thấy có lẽ mình đang 'già' đi vì bắt đầu mắc bệnh nói lắm và bất kỳ chuyện gì cũng có ý kiến riêng. Nhưng nghĩ nhiều không 'sướng' bằng viết nó ra vì mình tự tổng hợp suy ngẫm về điều mình vừa thấy, hơn là chỉ buông ra một tiếng thở dài đầy bí hiểm. Có lẽ ta đang trở nên 'nguy hiểm' hơn - có mỗi chuyện hai bác ngồi cạnh buôn chuyện mà cũng viết thành cả trang giấy :))



By Lynn Nguyen (Nguyen Phuong Dung)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét