Con mèo hoang bên ngoài phòng nghiên cứu lại bắt đầu kêu. Mặc dù âm thanh trầm thấp hơn nhiều, nhưng vẫn là 3 âm dài, 1 âm ngắn. Xem ra con mèo hoang này cũng là kẻ rất có nguyên tắc, nhưng cổ họng nó hôm nay chắc có chút trục trặc. Tôi nghĩ nên cho nó ngậm chút thuốc ho bổ phế. Trước đây, tôi hay dựa dẫm vào nó làm một cái đồng hồ, để đúng hẹn 3h15phút online. Sau, dần dần không cần đến nó nữa. Bởi chỉ cần đến giờ, thần kinh tôi tự động phấn chấn hẳn lên. Hôm nào không gặp Khinh vũ phi dương trên mạng lúc 3h15phút, tôi sẽ cảm thấy khắp người bứt rứt.
Nghe nói tình trạng này trong tâm lí học gọi là “phản ứng ràng buộc”. Vì vậy tôi nghĩ, tôi có lẽ đã bị Khinh vũ phi dương “ràng buộc” mất rồi. Còn chú mèo hoang kia, chắc là cũng bị những con mèo hoang gợi cảm khác “ràng buộc”. Vì vậy, mỗi khi đến giờ, mèo thì gọi bạn, còn tôi thì lên mạng.
“Đầu gấu, chào anh, hôm nay có mệt không?”
Nói tôi không kinh ngạc tức là nói dối, không mệt cũng là nói dối. Sau khi tâm hồn như vừa ngồi trên xe bay, rồi lại uống rượu vào. Thực lòng tôi chỉ muốn lăn ra làm một giấc. Nếu không phải vì tôi đã bị cô ấy “ràng buộc” thì lúc này tôi nhất định sẽ không lên mạng. Thế nhưng sao cô ấy cũng lên mạng? Cô ấy không mệt à? Chẳng lẽ cô ấy cũng bị tôi “ràng buộc” sao?
“Lâu quá rồi không gặp, em thế nào?”
“Đầu gấu, anh lại hâm hấp rồi. Mình mới chia tay có 3 tiếng đồng hồ! ”
“Cổ nhân nói một ngày không gặp, như cách ba thu. Nếu quả thật như vậy, thì mình đã 3x365:8≈137 ngày chưa gặp nhau rồi, không phải là lâu quá rồi sao?”
“ hi hi”
Xem ra cô ấy thực sự mệt rồi. Cũng là nụ cười, nhưng lúc này tôi thấy như cô ấy đang muốn ngáp.
“Đầu gấu à! Liệu mình có “chết giữa ánh sáng ban ngày” không?”
Thực ra, bạn quen qua mạng sau khi gặp nhau, thường có kết cục buồn. Như A Thái, nếu không vừa ý, bèn xóa tên người ta khỏi danh sách Friend. Miễn cho sau này lại thấy nhau trên mạng cám cảnh mà buồn lòng. Thôi thì xóa đi cho khuất mắt. Nếu đằng kia kịp trông thấy trước, gửi đến một message, A Thái sẽ bảo là bận chuẩn bị lên lớp, đi ăn cơm, đi có việc, đi ngủ.v.v.. rồi vội vàng offline. Nếu không thì sẽ nói: “Tiếc thay, hiếm thay mới gặp được mà tạo hóa trêu người, cho việc trái lòng, giờ này việc mọn đè vai không thể không đi, chỉ biết rượu sầu mà biệt, ôm hận mà về, ruột gan đứt đoạn” – cái gọi là phép tháo thân “nhắm mắt nói bừa”.
“Vì sao mạng và hiện thực lại khác nhau đến thế?”
Bởi vì khi ở trên mạng, em không thể nhìn thấy thái độ của người kia, không nghe thấy giọng điệu. Nên chỉ dùng những kí hiệu đơn giản để biểu thị những buồn vui yêu ghét. Chẳng hạn “”,“;))”, “;;)”, “^O^”v.v… Nhưng nếu thực sự buồn vui yêu ghét có thể dùng kí hiệu đơn giản để thể hiện, thì còn gọi gì là yêu ghét buồn vui nữa. Nói cách khác, khi người kia gửi một kí hiệu cười bất kì, làm sao khẳng định được có đúng người ta đang cười hay không? Biết đâu chỉ là xã giao, không làm ăn được cũng còn chút quen biết… Vì vậy đối với hai người chưa từng biết nhau, mạng chỉ giúp rút ngắn thời gian tìm hiểu, chưa chắc kéo gần khoảng cách giữa hai bên.
“Đầu gấu à, em trên mạng và em ở ngòai đời có khác nhau nhiều lắm không?”
“Mạng giống như một lớp bảo vệ an toàn, không chỉ che được mưa nắng, còn che luôn cả ánh sáng. Quan sát một người qua lớp vỏ ấy, tất có sai số. Nhưng với em, tôi không có cảm giác đang nhìn qua lớp bảo vệ, hoặc có thể nói, em không hề có lớp bảo vệ ấy. Giờ đây nếu em gửi đến kí hiệu , tôi sẽ dường như đang nhìn thấy khóe miệng em mỉm cười. Nếu em gửi đến : ), tôi sẽ dường như nhìn thấy ánh mắt đầy nụ cười của em. Nếu em viết Hi hi, tôi lại dường như đang nghe thấy tiếng cười hôm nay ở Mc Donald của em. Vì vậy, mạng không chỉ rút ngắn thời gian làm quen của mình, còn đưa mình lại gần nhau hơn.
“Đầu gấu a, em mong rằng anh không phải dường như, mà là đang nhìn thấy em cười với anh.”
“Đúng là tôi đang nhìn thấy em cười. Nhưng đây lại còn là một đặc điểm khác của mạng: nhanh chóng nhưng không hoàn hảo. Hơn nữa, nếu bây giờ thực sự nhìn thấy em cười, tôi sẽ bị vẻ đẹp bên ngòai của em che lấp đi nhiều thứ. Chỉ còn có thể nịnh nọt một phen. Thế thì chẳng bằng như thế này, cách nhau qua màn hình, để có thể cảm nhận về em theo một hình thức khác.”
“Đầu gấu à, tại sao gặp em anh lại phải khen ngợi vẻ bên ngòai của em vậy? Chẳng lẽ anh không sợ em sẽ đánh giá anh nông cạn tầm thường à?”
“Ở đây làm gì có tại sao. Hễ nhìn thấy mĩ nữ là ca ngợi vốn là phản xạ của đàn ông, không cần qua sự điều khiển của đại não. Đương nhiên tôi biết như thế vẫn mang tiếng là nịnh nọt. Nhưng cái đầu đần độn của tôi không điều khiển nổi cái miệng hoạt bát. Khi mắt nhìn thấy một hình ảnh xinh đẹp, thông tin lập tức truyền về đại não. Trong khi đại não còn chưa quyết định có khen ngợi vẻ đẹp đó không, thì cái miệng tôi đã quyết định tiền trảm hậu tấu rồi. Cái này gọi là “Tướng quân ngòai trận, có thể không nghe mệnh lệnh”, cũng còn gọi là tên đã căng cung, không thể không bắn. Hơn nữa nếu không nói những lời ca ngợi tôi thậm chí còn cảm thấy lương tâm cắn rứt, chẳng bằng cứ nói thật, cứ khen ngợi và chịu để cho em chê là nông cạn tầm thường. Đây cũng là một hình thức khác của sự so sánh giữa hai cái hại để chọn cái đỡ hại hơn.”
“Thôi thôi Đầu gấu à, em sẽ bị anh dạy cho ngày càng kiêu căng mất.”
“Thôi được, hôm nay tán dương đến đây tạm dừng. Đến lượt em khen ngợi anh đi.”
“Đầu gấu à, nếu giả vờ tán dương nịnh nọt anh để rồi anh thấy em nông cạn, chẳng bằng không khen anh để em thấy xứng đáng với lương tâm mình. Cái này gọi là so sánh hai cái hại để chọn cái đỡ hại hơn đấy.”
Sao mà quả báo nhanh đến thế. Hóa ra cái gì qua mạng cũng nhanh không tưởng tượng nổi, ngay cả quả báo cũng đã “nhỡn tiền” thế này
“Đầu gấu à, vậy anh có thể dùng một câu để diễn tả bề ngòai của em và cảm giác của anh về em không?”
“Đơn giản, ấy là “đẹp chảy nước”.”
“Tiểu nữ tài hèn trí mọn, xin được chỉ giáo”
“Bởi em đẹp như hoa, nên tôi nhìn mà muốn chảy nước bọt. Vậy gọi là “đẹp chảy nước””
“Ha ha… Anh hại em mất ngủ đến nơi rồi”.
Ừ nhỉ, tí nữa thì quên ngày mai vẫn còn cuộc hẹn. Không được trêu cô ấy như mọi ngày. Phải để cô ấy đi ngủ.
“Em nên đi ngủ rồi”
“Một tí tẹo nữa thôi. Mà anh còn chưa nói cho em biết là anh có mệt không?”
“Tàm tạm, hơi mệt thôi. Em thì sao?”
“Em mệt thật rồi. Nhưng chưa lên mạng để chúc anh ngủ ngon, em cũng không chợp được mắt”
“Me too…”
Cả hai bên đã mệt thế này, thì việc gì phải làm những chuyện vô nghĩa thế này nhỉ! Lăn ra ngủ có tốt hơn không”. Việc gì phải vừa gõ bàn phím vừa ngáp. Có lẽ cả tôi và cô ấy đã cùng lúc nghĩ đến chiều sâu này. Nên tiếp theo đó là một khoảng im lặng.
“Đầu gấu à, ngày mai mình đi xem bộ phim nào ạ?”
“Đến lúc đó rồi tính. Nói chung quan trọng là xem với ai, đâu phải là xem cái gì.”
Đó là danh ngôn của A Thái, chỉ cần sửa sang tí chút là dùng ngon lành.
“Vậy ngày mai anh đi xe cẩn thận nhé. Em chờ anh ở dưới cổng nhà.
“OK, vì câu nói này của em, tôi sẽ đi cẩn thận. Vậy em trèo cầu thang cũng cẩn thận vào nhé.”
“Thôi mà đừng đùa nữa. Mai gặp nhé, ngủ ngon ”
“Good night..See you later..So long..Bye-bye. Chúc ngủ ngon.Sayonara. Đaxviđanhia, Orevoi”
Một giấc ngủ dài. Tỉnh dậy đã là 12h rưỡi trưa.
Hôm nay là ngày cuối cùng của năm 1997. Chủ nhật, vì vậy sẽ mặc quần trong màu tím. May mà thời gian ở kí túc xá của Đại học Thành Công đã rèn luyện cho tôi tốc độ đánh răng rửa mặt thần sầu quỉ khốc, tất cả chỉ mất X phút, X≤10. Bất giác lại say sưa tự tán thưởng khả năng cơ động và linh hoạt của mình. Nhưng bây giờ không còn thời gian để say sưa nữa, vội vàng tóm lấy chìa khóa và xông xuống đất.
Cưỡi lên con sói hoang, trong khi nó còn chưa làm xong bài khởi động các khớp, tôi đã cài số lướt đi. Kĩ thuật lướt xe của tôi lụa như du long phi phượng. Đáng tiếc trước đây không gia nhập các băng nhóm đua xe! Chợt nhớ ra tối qua đã hứa với nàng sẽ đi xe cẩn thận, đại trượng phu lẽ nào xuất ngôn bất thủ tín! Vậy nên khi vượt đèn đỏ, tôi đã hết sức cẩn thận quan sát xem có bóng dáng của cảnh sát giao thông nào không.
Liếc vội đồng hồ. Nguy hiểm quá, rất có thể bị muộn vài phút. Hò hẹn với Khinh vũ phi dương thì tuyệt đối không có lí do cho sự chậm trễ. Vật cùng tất biến, cái khó ló cái không, tôi chỉnh đồng hồ chậm đi 5 phút. Đồng thời đợi tới gần con ngõ nhà cô ấy thì chủ động đi chậm lại.
“Đầu gấu à, chào anh buổi sáng… sớm!”
Giọng cô ấy dường như có chút trêu cợt. Nàng giơ cườm tay trái lên trướt mặt tôi huơ đi huơ lại.
“Ồ, đồng hồ của em đẹp thật đấy, quả là đẹp trai cưỡi xe máy rách, mĩ nhân đeo đồng hồ oách!”
“Đầu gấu à, đừng có đánh trống lảng, có phải là anh cần nói gì đó không?”
“Xin lỗi, tôi vô ý quá. Tôi chỉ mải để ý đồng hồ của em, quên mát tán dương cái cổ tay em trắng tinh như ngọc. Tôi quả là nhìn cây không nhìn rừng. Đồng hồ có đẹp đến đâu nữa thì so với cách tay ngọc của em cũng như lập lòe đom đóm dưới ánh trăng thu vằng vặc.”
“Đầu gấu à, đừng có giả bộ nữa, anh đến muộn 3 phút rồi. Đồng hồ của em bây giờ đã 1giờ 03 phút.
“Thế á? Nhưng đồng hồ của tôi mới chỉ có 12 giờ 58 phút thôi”
Tôi cũng giơ cổ tay huơ trước mặt nàng.
“Hi hi, thôi được, tha cho anh đấy”
“Xem bộ phim nào bây giờ, hỡi tiểu thư Kinh vũ phi dương có chiếc đồng hồ đẹp?”
“Anh nói trước đi, tiên sinh Đầu gấu đeo đồng hồ chậm giờ”
Hóa ra cô ấy còn biết miếng này, tôi đành cười trừ mấy tiếng.
“A Thái nói rằng “Titanic” hay lắm, em thấy thế nào?”
“Tốt quá, bạn cùng phòng em cũng giới thiệu đi xem bộ phim này.”
“Thế cô ấy xem xong phim có khóc không?”
“Có, khóc tu tu. Nên em đã mang thêm một khăn mùi soa và một bịch giấy.”
“Vậy mình đi xem ở rạp Nam Đài nhé, 2 giờ 20 chiều có buổi chiếu.”
“Vâng, tùy anh sắp xếp.”
Hừm, vậy thì còn nhiều thời gian đấy, quan sát một chút không gian cô ấy sống ở đây. Con ngõ này thật yên tĩnh. Có chút cỏ và hoa. Một con ngõ đẹp. Quả là nơi địa linh nhân kiệt. Môi trường thế nào sẽ có người thế ấy. Thực ra nơi tôi ở cũng rất được, nhưng tiếc là trước ngõ luôn có một đống rác. Tôi chắc nguyên nhân có liên quan đến việc A Thái cũng sống ở đó.
“Đầu gấu à, đừng có ngây người ra nữa. Nghe nói người xem đông lắm đấy, mình đi sớm một chút để mua vé đi!”
“OK, em có xe máy không?”
“Không, em chỉ có xe đạp màu cà phê Pháp thôi mà”
“Thế thì tôi đành dùng chiếc xe có màu của nước biển cảng Cao Hùng để chở em, ngại không?”
“Không ngại. Chỉ chê thôi, hihi”
Nàng rút từ ba lô ra một cặp kính mát. Không phải nói cũng biết, cả kính cũng màu ca phê. Năm nay mùa đông ở Nam Đài rất ấm áp. Vào ngày Nô-el tôi vẫn mặc áo cộc. Còn cô ấy ăn mặc khá giản đơn, quần dài màu vàng nhạt, áo sợi màu cam.
“Hôm nay không mặc quần áo màu ca phê nữa à?”
“Hi hi, hôm nay nghỉ phép, kẻo anh đi với em chỉ lo bị kiểm tra”.
“Đúng đấy, đây thực sự là một lý do tốt để biện hộ cho sự chấp nhận đã thua.”
“Hi hi. Đầu gấu à, em không thể phơi nắng được, nên phải đeo kính mát, anh không có ý kiến gì chứ ạ?”
“Không, chỉ là cảm thấy tiếc cho đôi mắt xinh đẹp của em thôi.”
“Thôi đừng tếu nữa ạ, mình đi thôi anh!”
Ngồi sau xe, tay nàng vịn nhẹ vào thắt lưng da của tôi. Yên xe tôi không có chỗ vịn nào khác. A Thái rất tán thưởng tình trạng này của chiếc xe. Anh ta bảo rằng chỉ cần mỗi lần cài số cố ý để giật một chút, thể nào cũng thấy sóng cả dập dồn từ phía sau đánh tới. Nhưng tôi không đến nỗi vô duyên như vậy, ngược lại, mỗi lần cài số tôi càng cẩn thận hơn.
“Thời tiết hôm nay đẹp quá nhỉ?”
“Mặt trời hôm nay cũng rất tròn nhỉ, hihi”
Cô ấy luôn biết dùng tiếng cười để giải tỏa sự căng thẳng của tôi.
“Nghe nói dòng sản phẩm chống nắng của “Old Lady” tốt lắm, lần sau tôi đưa em đi mua nhé!”
“Vâng, nếu anh mua cho em, em sẽ bôi”
Thực là họa tòng khẩu xuất, cổ nhân xưa nay thật tốt khi đã dạy ta như vậy.
Thời tiết hôm nay quả là tuyệt. Không nóng không lạnh, không ẩm không oi. Được ở Đài Nam qủa là hạnh phúc. Mặc dù “cuộc sống là quí giá nhất” nhưng chúng tôi đều quên không đội mũ bảo hiểm, khiến mối hiểm nguy bị phạt vi cảnh lơ lửng trên đầu. Gió nhè nhẹ thổi, phảng phất mùi thơm nhẹ nhàng của nàng. Nhớ có một lần ngồi máy bay, tôi cũng quên thắt dây an toàn. Thế là một nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp nghiêng người lại gần nhắc tôi thắt dây. Trên người cô ấy cũng có một hương thơm tương tự. Từ đó trở đi, tôi lên máy bay không bao giờ thắt dây an toàn, trừ khi gặp phải tiếp viên nam. Con trai kể cũng là một loài vật kì quặc. Thị giác rất dễ ảnh hưởng đến khứu giác của họ. Đối với tuyệt đại đa số đàn ông, phàm là mĩ nữ tất phải thơm.
Cho dù tôi đã sang số một cách rất cẩn thận, nhưng mỗi khi tăng tốc hoặc phanh xe, chúng tôi cũng không khỏi chạm vào nhau. Hơn nữa cô ấy cứ nói nhè nhẹ ở bên tai. Chẳng hiểu thế nào mà tai tôi cứ nóng bừng lên. Tôi muốn tin rằng đó là do lượng CO2 thoát ra từ hơi thở bình thường, dù biết chắc không phải là sự thực.
Cuối cùng tôi đã cảm nhận được cảm giác của Trương Vô Kỵ khi bế Triệu Mẫn trong tập 4 của Ỷ Thiên Đồ Long Ký, chỉ mong con đường dài đến vô tận.
Đi vào đường Hữu Ái, qua cổng lớn của rạp Nam Đài. Ôi trời, cả một đám đông nghịt. Chẳng lẽ hôm nay chiếu phim miễn phí? Tôi rẽ sang phố bên cạnh tìm chỗ đỗ xe.
“Đầu gấu à, anh gửi xe đi, tội gì phải lòng vòng như vậy?”
“Ấy đừng đùa, loại xe sắp xuống lỗ này mà đem gửi chỉ tổ khiến người ta cười cho thôi.”
“Hi hi, Đầu gấu à, tiền gửi xe anh cũng tiết kiệm nốt. Anh không phải là kẻ keo kiệt bình thường”
Quả nhiên trời phù hộ, tôi đã tìm thấy một chỗ để xe. Xe dừng xong, cô ấy gấp kính cho vào ba lô rồi rút từ ba lô ra một cái lược màu cà phê và cái kẹp tóc hình bươm bướm. Cô ngậm kẹp tóc ở miệng, tay sửa lại tóc rồi kẹp một cái đuôi ngựa đơn giản. Cô ấy cười nhè nhẹ với tôi, tựa như xin lỗi vì đã bắt tôi phải chờ đợi. Còn tôi lại chợt thấy cô ấy rất giống một cánh bướm xinh đẹp đang bay lượn.
“Xin lỗi vì đã bắt anh phải chờ lâu. Let’s go! Ôi, Đầu gấu à, ở đây có biển cấm dừng này!”
“À, không sao, mình có dừng đâu mà đỗ đấy chứ.”
“Anh lại muốn gấu à. Nhỡ chốc nữa người ta phá mất xe thì làm sao?”
“Không đâu, nhìn thấy chiếc xe già cả thế này, ai cũng kính lão đắc thọ, không dám hỗn láo đâu.”
Hàng người xếp trước rạp Nam Đài rất dài. Buổi chiếu bắt đầu lúc 2 giờ 20 phút, trong khi bây giờ mới chỉ 1 giờ 40 phút. Lạ lùng hơn, hầu như cả hàng đều là một nam một nữ xếp song song.
“Em vào trong mà xem Poster, một mình tôi xếp hàng là được rồi.”
Người ta xếp hàng đều âu yếm dịu dàng, anh anh em em. Để cô ấy ở đây chỉ làm tôi thêm thấy bi thương.
“Không đâu, em muốn xếp hàng cùng với anh”
“Xếp hàng thế này em sẽ thấy chán đấy”
“Ở bên cạnh anh làm sao thấy chán được. Cho em xếp với mà!”
Thực tình, tôi rất cảm ơn hàng người đông đúc, đã khiến cho khoảng cách giữa tôi và nàng ngày một gần. Trên mạng, chúng tôi cách nhau qua màn hình máy tính. Trong quán Mc Donald, chúng tôi cách nhau qua cái bàn. Ngồi trên xe máy, tôi cách nàng một cái lưng của tôi. Còn ở đây, không còn một khoảng cách nào cả. Nàng đứng bên trái tôi. Tay phải thỉnh thoảng lại chạm vào tay trái của tôi. Cho dù không mua được vé xem phim, tôi cũng cam lòng. Hôm nay thật tuyệt, không chỉ vì thời tiết rất tuyệt, còn tuyệt vì cảm giác chờ đợi.
Vé học sinh 240 đồng, tức là 2 tấm vé 480 đồng. Lần này quả thực thương vong nặng nề. Đội tiên phong trong ví tôi kể như đã hi sinh hoàn toàn. Nàng đứng bên trái tôi. Khi lấy tiền tôi lại dùng tay phải nên không làm sao để cô ấy có cơ hội ngăn chặn tôi rút tiền. Thật là thất sách. 2 giờ 10 phút mới mua được vé. Một chiếc số 13 hàng 11, chiếc kia số 15.
“Ôi, Đầu gấu à, số 13 hàng 11, trùng với ngày sinh của anh đấy!”
“Thì sao nữa?”
“Thì em sẽ ngồi ghế này. Em sẽ cất giữ tấm vé này, được không?”
“Đương nhiên là được rồi. Nếu em kiên quyết muốn trả tiền, tôi cũng phải nghe theo thôi”
“Đầu gấu, anh đừng lo lắng, hôm nay em quyết không tranh việc trả tiền đâu”
Lo? Tôi lo là em không tranh trả tiền cơ.
Vào trong rạp, vừa ngồi xuống không lâu, đèn trong rạp bắt đầu tắt. Khi xem phim, tôi không bao giờ nói gì, bởi vậy cuối cùng thì miệng tôi cũng có cơ hội để nghỉ ngơi trong suốt 3 tiếng đồng hồ sau đó. Tôi xem một cách kĩ lưỡng bộ phim nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi. Tôi không phải là con người lãng mạn, nên việc tôi không thấy xúc động với các tình tiết là điều dễ hiểu, trừ đoạn đối thoại với Rose trước khi Jack chìm xuống biển.
“Rose, listen to me.. Listen...Winning that ticket was the best thing that ever happened to me..It brought me to you... And Im thankful, Rose... Im thankful...”
Mặc dù tôi cũng tên là Jack. Nhưng tôi may mắn hơn anh chàng Jack trong phim rất nhiều. Tôi không cần đánh cuộc, cũng không cần leo lên chiếc Titanic với những nguy hiểm tính mạng rập rình. Tôi chỉ việc mở máy tính, lên mạng và có thể làm quen với một Rose trong đời thực. Nhưng anh ta may mắn hơn tôi ở một chỗ là anh ta biết vẽ. Cho nên Rose ở trong phim mới chịu cửi bỏ y phục cho anh ta vẽ. Mặc dù tỏ ra rất tập trung, vẽ vời cẩn thận. Nhưng tôi nghĩ rằng anh ta cố ý vẽ thật chậm. Đàn ông mà! Mọi người trong lòng quá rõ mà miệng chẳng nói ra ấy thôi! Nếu không thì bảo anh ta vẽ Chung Vô Diệm, chắc chỉ một tẹo là vẽ xong.
Nhưng cô ấy thì lại phản ứng không bình thản chút nào. Tay cô ấy luôn bóp chặt chiếc khăn mùi soa. Càng về cuối phim, tần số lau khóe mắt càng cao. Đến lúc Jack yêu cầu Rose hứa sẽ kiên cường để sống đến cùng, Rose trong phim nói rằng: “I promise...I will never let go, Jack...Ill never let go...”, cô ấy cũng lẩm nhẩm theo: “I will never let go, Jack...”
Cái chị Celine Dion này nữa mới hại. Đến cuối phim lại còn hát bài “My heart will go on...”. Có lẽ bị xúc động bởi lời hát, nàng đã “My tears will go on...”
“Về thôi em, hết phim rồi”
Tôi đứng dậy nhẹ nhàng nói với cô ấy. Tôi cảm thấy lúc này, chỉ cần một sự rung động nhỏ cũng có thể làm cô ấy vỡ òa. Cô ấy ngồi bất động trên ghế, đăm đăm nhìn tôi không nói năng gì. Một lúc lâu sau, cô đột ngột nói:
“Đầu gấu à, phim thể nào cũng hết, nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, phải vậy không?”
Mặc dù tôi gật gật đầu, nhưng trong lòng cảm thấy khó hiểu. Cô ấy thấy tôi gật đầu liền đứng vụt dậy, khoác ba lô và theo tôi bước ra khỏi rạp. Những người xếp hàng để vào rạp, lúc này lại chen chúc để ra khỏi cửa rạp, khiến cho không khí rất giống với cảnh trong phim, mọi người tranh nhau thoát ra khỏi con tầu lâm nạn. Hóa ra, chúng tôi dường như chỉ đang thoát ra khỏi con tàu trong phim… Nhưng con tàu Titanic trong cuộc sống lại đang chiếu tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét