Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Xin việc kế toán kho

Bạn muốn tìm 1 công việc về kế toán, cụ thể là kế toán kho. Vậy khi bắt đầu tìm kiếm 1 công việc, cho đến khi kết thúc quá trình xin việc, bạn sẽ gặp phải vấn đề gì, xử lý ra sao. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cụ thể từng bước.

Bước 1: Tìm nhu cầu
Trong vai người đi tìm việc thì bạn là nguồn Cung, còn công ty tuyển kế toán kho là nguồn Cầu. Để bạn có được việc làm thì Cung phải gặp Cầu. Do đó bước đầu tiên là tìm Công ty cần tuyển kế toán kho.
Khi bắt đầu tham gia tìm hiểu thị trường việc làm, bạn sẽ gặp phải vô vàn nhu cầu. Vậy làm thế nào để biết 1 công ty thực sự cần tuyển kế toán kho? Bạn cần khảo sát 1 vài thông tin như sau:
1.1. Nội dung đăng tuyển
Những nội dung đăng tuyển tương tự như sau sẽ thể hiện công ty đó thực sự cần tuyển kế toán kho:

Có mô tả công việc, các yêu cầu phải làm rõ ràng (tùy theo thực tế đơn vị mà yêu cầu, không có tính rập khuôn, phổ cập)

1/ Nội dung công việc vị trí nhân viên kế toán kho

• Kiểm tra các chứng từ yêu cầu nhập/ xuất hàng theo đúng quy định.
• Nhận các chứng từ giao hàng, yêu cầu xuất hàng, lưu và chuyển cho bộ phận mua hàng hoặc kế toán theo quy định.
• Theo dõi vật tư xuất nhập tồn
• Ghi phiếu nhập, phiếu xuất kho.
• Theo dõi số lượng xuất nhập tồn hàng ngày và đối chiếu với định mức tồn kho tối thiểu.
• Theo dõi hàng tồn kho tối thiểu
• Đảm bảo tất cả các loại vật tư phải có định mức tồn kho tối thiểu.
• Theo dõi số lượng tồn kho tối thiểu hàng ngày.
• Kiểm tra lại hàng trong kho và đề xuất nhập hàng.
• Theo dõi quá trình nhập hàng, đôn đốc việc mua hàng.
• Trực tiếp sắp xếp các loại vật tư trong kho.
• Sắp xếp vật tư theo chủng loại và phù hợp với địa hình theo đặc tính của từng vật tư.
• Lập sơ đồ kho và cập nhật sơ đồ kho khi có phát sinh vật tư.
• Đảm bảo tiêu chuẩn vật tư trong kho
• Sắp xếp vật tư trong kho đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.


* Có yêu cầu vị trí, độ tuổi, giới tính, số năm kinh nghiệm... rõ ràng

2/ Yêu cầu vị trí nhân viên kế toán kho

- Độ tuổi từ 23 - 26
- Có 2 năm kinh nghiệm
- Chăm chỉ, chịu khó, trung thực, có trách nhiệm.


* Xác định rõ khoảng quyền lợi được hưởng

3/ Quyền lợi vị trí nhân viên kế toán kho

- Lương 4 triệu đến 5 triệu, có thỏa thuận về lương.
- Đóng bảo hiểm sau 2 tháng thử việc
- Đi du lịch, liên hoan, thưởng tháng 13, ...


* Nội dung hồ sơ, hạn nộp hồ sơ rõ ràng

4/ Hồ sơ vị trí nhân viên kế toán kho

- Đơn xin việc
- Sơ yếu lý lịch.
- Hộ khẩu, chứng minh nhân dân và giấy khám sức khỏe.
- Các bằng cấp có liên quan
- Hạn nộp Hồ sơ: 30/09/2015
- Hình thức nộp hồ sơ: Mọi hình thức


* Liên hệ rõ ràng, chính xác thông tin liên hệ. Có thể kiểm tra được thông tin đơn vị thông qua tên, địa chỉ. Email liên hệ thường là email có liên quan đến nhân sự, kế toán trưởng...

5/ Liên hệ

- Bộ Phận Nhân Sự
- Địa chỉ: Khu 5C Khu công nghiệp Triều Khúc, ngõ 1 Tân Triều, Thanh Xuân- Hà Nội
- Email: antamfood.nhansu@gmail.com
- Điện thoại: 01696115894


1.2. Xác minh tính chính xác của thông tin
Sau khi đọc được yêu cầu tuyển dụng, điều cần làm tiếp theo không phải là làm ngay hồ sơ để nộp, mà bạn cần xác minh lại tính chính xác của thông tin tuyển dụng. Bao gồm:
- Tìm trên google các thông tin về công ty: có chính xác tên, địa chỉ không? có mã số thuế không? có liên quan đến các vấn đề trốn thuế, truy tố hay có bị phàn nàn gì về việc lừa đào không?
- Gọi điện thoại liên hệ tới công ty tuyển dụng. Hỏi lại họ về thông tin tuyển dụng, còn hạn nộp hồ sơ không, có thể nộp hồ sơ qua đường nào... Những câu hỏi nhằm để nghe trực tiếp xác nhận về việc tuyển dụng, xem có đúng là họ đăng thông tin đó không, thông tin đó còn giá trị không?

Nếu các thông tin đều hoàn tất, chính xác và đảm bảo, bạn sẽ chuyển sang bước 2

Bước 2: Làm hồ sơ xin việc
Bước này mình mô tả lại quá trình làm hồ sơ xin việc để những bạn chưa có kinh nghiệm làm hồ sơ có thể biết để tham khảo:
- Chạy ra cửa hàng tạp hóa gần nhà, mua một vài bộ (không phải 1 bộ, mà là nhiều bộ), giá mỗi bộ khoảng 5-10k tùy nơi
- Đi qua cửa hàng chụp ảnh, chụp tối thiểu 1 tấm ảnh 3x4, 1 tấm ảnh 4x6 (mỗi tấm sẽ có 4 hình)
     + Ảnh 3x4: để dán vào CV (nếu có - phần sau mình sẽ nói CV là gì, để làm gì), hoặc bổ sung ảnh cho công ty nếu yêu cầu, và ảnh làm hồ sơ bảo hiểm, thuế TNCN sau này nếu được vào làm
     + Ảnh 4x6: để dán vào sơ yếu lý lịch của hồ sơ (bắt buộc)
   Ảnh có thể lấy ngay, hoặc chờ 1 thời gian (cố gắng càng sớm càng tốt, có thể sáng chụp chiều lấy hoặc chiều chụp sáng hôm sau lấy)
- Về nhà viết hồ sơ, đơn xin việc, CV. Dán ảnh vào hồ sơ (sau khi có ảnh)
- Mang hồ sơ ra Ủy Ban Nhân Dân Phường, xã, thị trấn... để xin dấu xác nhận. Khi xin dấu bạn mang theo Sổ hộ khẩu, chứng minh thư. Lệ phí làm việc này khoảng 10k cho mỗi bộ hồ sơ (tùy nơi, từ 2-10k)
- Sắp xếp, kiểm tra lại túi hồ sơ, bao gồm:
   + Sơ yếu lý lịch (có dấu xác nhận của địa phương)
   + CV (bản mô tả bản thân - giới thiệu bản thân) Mình sẽ có 1 bài hướng dẫn cách viết CV riêng
   + Đơn xin việc: Mình sẽ có 1 bài hướng dẫn cách viết đơn xin việc riêng, nên viết tay, không đánh máy đơn xin việc.
   + Chứng chỉ, bằng cấp (bằng đại học, cao đẳng, bằng tiếng anh, tin học văn phòng, các chứng chỉ khác nếu có liên quan...)
   + Các giấy tờ khác nếu có yêu cầu: Bản sao sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, bản phô tô chứng minh thư...
   + Giấy khám sức khỏe: thường thì có thể bạn có ngay, hoặc bạn có thể bổ sung sau. Khi nộp hồ sơ tuyển dụng thì chưa có gì chắc chắn là bạn sẽ vào làm, nên bao giờ vào làm bạn có thể bổ sung giấy khám sức khỏe để hoàn tất hồ sơ (tuy nhiên nếu bạn đang có bệnh hoặc có tật gì, thì nên có giấy khám sức khỏe để báo trước cho đơn vị tuyển dụng xem như vậy có đảm bảo sức khỏe để làm ko)

Bước 3: Chuẩn bị kiến thức
Đây là việc cần thiết để bạn có thể nâng cao khả năng trúng tuyển. Giống như việc trước khi ra chiến trường thì phải chuẩn bị súng, đạn, lương thực vậy. Càng chuẩn bị kỹ thì càng giảm thiểu rủi ro, nâng cao khả năng thành công.
Các kiến thức cần có:
- Hiểu về bản thân: ưu điểm, nhược điểm, giá trị bản thân (tự định giá bản thân mình phù hợp với mức lương bao nhiêu)
- Tìm hiểu bài test: Trên mạng có rất nhiều bài test thi tuyển kế toán. Bạn có thể tìm và làm thử để biết cách kiểm tra bài test, xu hướng các câu hỏi...
- Chuẩn bị cho vòng phỏng vấn: Việc phỏng vấn là rất quan trọng, chiếm 70% khả năng thành công trong việc thi tuyển. Phỏng vấn không chỉ là hỏi đáp về kiến thức, mà còn là cuộc trò chuyện cởi mở giữa 2 bên để tìm điểm chung, xem bạn có đủ trình độ, nhận thức, khả năng thích ứng với công việc... để đảm nhận vị trí mà công ty cần hay không.
Những lưu ý khi chuẩn bị phỏng vấn:
   + Không tham khảo quá nhiều ý kiến. Việc bạn bị ngập trong 1 đống thông tin sẽ khiến bạn càng trở nên mất tự tin hơn thôi. Phỏng vấn thì chẳng ở đâu giống ở đâu, nên chỉ tham khảo ít và đủ thôi.
   + Chăm chút bản thân. Tham gia tuyển dụng, thực chất về nghĩa đen chính là việc bạn quảng cáo bản thân mình, làm sao để được khách hàng (là công ty tuyển dụng) ưng ý và chọn bạn. Vậy cần chăm sóc bản thân để tạo thiện cảm. Chăm chút bản thân bao gồm vẻ bề ngoài, cách ăn nói, cách giao tiếp...
   + Giữ bình tĩnh. Việc này có vẻ khó với những người ít kinh nghiệm, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Vậy các yếu tố nào gây ra mất bình tĩnh và cách để khắc phục?
        - Quá mong muốn được nhận. Việc này khiến bạn tự hạ thấp giá trị của mình, do đó cũng tự đặt mình ở cửa dưới, và sẽ trở nên mất bình tĩnh trong việc phỏng vấn => Khắc phục: giữ tâm lý không được chỗ này thì tìm chỗ khác, đến khi nào tìm được nơi phù hợp thì thôi. Mỗi nơi bạn đến ứng tuyển đều là 1 cơ hội, không phải cơ hội nào cũng thành công.
        - Lo sợ mình kém hơn các ứng cử viên khác. Khi bạn không biết rõ thế mạnh của mình, bạn sẽ dễ dàng đề cao những người khác. => Khắc phục: Mỗi người đều có 1 thế mạnh riêng, điểm yếu riêng, và ai cũng như vậy hết. Do đó bạn nên tập trung vào các thế mạnh của mình, không nên quan tâm nhiều tới người khác.
       - Thiếu kiến thức, kỹ năng sống. Việc học tập dựa quá nhiều vào sách vở khiến bạn thiếu 1 lượng kiến thức lớn trong cuộc sống, gồm việc giao tiếp, cách nói chuyện, ngôn từ, cử chỉ... Hãy tích cực giao tiếp, kết bạn với mọi người xung quanh, bạn sẽ học được những kiến thức này nhanh thôi.
       - Sợ bị chê. Thường thì chẳng ai thích người khác chê mình, đặc biệt là khi đi tuyển dụng bạn bị nhà tuyển dụng chê, tìm khuyết điểm của bạn. Nên nhớ 1 điều là ngay cả việc đi mua rau ngoài chợ, thì người mua cũng tìm cách mặc cả. Họ mặc cả bằng cách tìm khuyết điểm để nhằm giảm giá, chứ không phải là họ không muốn mua. Do đó việc nhà tuyển dụng tìm khuyết điểm của bạn để nói, có thể chỉ là họ muốn bạn có biết là mình có khuyết điểm đó không, có thể nhận bạn với mức lương thấp hơn không; chứ chưa chắc họ đã không muốn nhận bạn. Khắc phục: Nếu đó thực sự là cái bạn thiếu, hãy vui vẻ đón nhận nó, và thể hiện những ưu điểm mà họ chưa tìm ra ở bạn. Tuy nhiên khuyết điểm đó không phải nhân tố làm bạn hạ thấp giá trị của mình. Đó là điều đương nhiên, ai cũng có ưu điểm, khuyết điểm. Trước khi tham gia phỏng vấn, bạn đã phải định được giá trị của mình đến đâu dựa trên các ưu điểm khuyết điểm của mình rồi.
     - Né tránh những câu hỏi khó. Việc gặp phải 1 số câu hỏi khó khiến bạn không trả lời được, và từ đó mất tự tin. Điều này thường xảy ra. Khó có thể biết hết mọi tình huống khó khăn, phức tạp để bạn có thể có kinh nghiệm để giải quyết. Do đó, nếu gặp câu hỏi bạn không thể đưa ra lời giải đáp ngay, thì bạn cứ thẳng thắn trao đổi, hoặc hỏi thêm 1 số thông tin, hỗ trợ cho việc đưa ra đáp án. Ta không thể giải quyết ngay 1 vấn đề phức tạp với 1 lượng thông tin có hạn. Vậy nên việc tìm thêm thông tin sẽ giúp bạn tự tin hơn, đồng thời cũng dễ tìm câu trả lời đúng hơn.

4. Những yếu tố tạo nên lợi thế
Những yếu tố sau sẽ tạo nên lợi thế cho công việc kế toán kho:
- Chủ động: Mọi việc đều trở nên dễ dàng hơn nếu bạn là người chủ động. Hãy chủ động trong mọi tình huống: Tìm việc, làm hồ sơ, học hỏi kiến thức, hoàn thiện bản thân, chủ động giao tiếp, đặt câu hỏi... Khi bạn chủ động thì bạn luôn được người khác đánh giá cao.
- Trình độ Excel: việc áp dụng excel trong kế toán kho rất quan trọng, bao gồm: theo dõi nhập xuất tồn, lập báo cáo, lập các biên bản kiểm kê kho, lập sổ chi tiết cho một loại mặt hàng... vậy nên bạn có thể học thêm về excel, việc ứng dụng excel trong kế toán kho. Việc này sẽ giúp bạn hiểu rõ công việc hơn, đồng thời xử lý công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.
- Không ngại lao động tay chân: Việc ở kho đòi hỏi nhiều đến lao động tay chân, sức khỏe như: đưa hàng vào kho, sắp xếp hàng trong kho, bốc dỡ hàng xuất kho... Những công việc này là rất quan trọng trong kế toán kho. Chưa kể đến nhiều loại hàng hóa, thiết bị trong kho có thể độc hại, nguy hiểm, hoặc cồng kềnh, nặng nề... Nhiều người không giữ được công việc kế toán kho do không đủ sức khỏe, không quen làm công việc tay chân. Do đó nếu bạn có sức khỏe, không ngại việc tay chân thì đó sẽ là lợi thế ko hề nhỏ. 
- Cẩn thận: Do phải làm việc vừa tay chân, vừa đầu óc (theo dõi hàng hóa trên excel hoặc phần mềm), nên khối lượng công việc sẽ là khá nhiều. Vậy nên bạn phải cẩn thận với việc nhập dữ liệu, lưu trữ chứng từ, kiểm đếm lúc nhập, xuất hàng, sắp xếp bảo quản hàng trong kho... Giá trị kho hàng cũng rất lớn với doanh nghiệp, do đó nhà tuyển dụng rất quan tâm tới tính cẩn thận của ứng viên.
- Có phương tiện đi lại: Có phương tiện đi lại riêng giúp bạn di chuyển tiện lợi. Có thể kho nằm cách xa khu văn phòng của doanh nghiệp, và có thể đôi khi bạn sẽ phải chuyển hàng từ kho đến nơi nhận hàng... do đó việc có phương tiện sẽ có lợi cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí.
- Có thể làm thêm giờ: Không phải lúc nào việc nhập hàng, xuất hàng cũng trong giờ hành chính. Do đó làm kế toán kho phải luôn sẵn sàng trong việc làm thêm giờ. Có thể làm thêm buổi tối, hoặc làm vào ngày nghỉ... Với các kho của đơn vị trong ngành dịch vụ, thì có thể bạn phải làm thêm cả vào dịp lễ tết. Vì vậy bạn đừng để điều này gây trở ngại cho công việc sau này. Nếu không sẵn sàng cho việc này thì tốt nhất bạn không nên làm kế toán kho.

* Chốt:
- Người tìm việc, việc tìm người. Bạn hãy cứ tìm đến khi gặp nơi phù hợp. Đừng vội vàng để rồi sau khi vào làm lại thấy hối hận, tiếc nuối hoặc làm ảnh hưởng tới công ty.
- Trước khi làm nên có sự chuẩn bị trước, biết mình biết ta thì mới thắng lợi được.
- Nhà tuyển dụng không phải là bố mẹ bạn, họ đơn thuần chỉ là đồng nghiệp của bạn sau này. Hãy giữ thái độ tích cực, đừng quá đề cao nhà tuyển dụng hoặc hạ thấp bản thân.
- Bạn hiểu giá trị của bạn, công việc bạn làm cũng có giá trị nhất định. Hãy tìm cách cân bằng giữa giá trị bản thân và công việc. Khi đó bạn sẽ hài lòng với công việc và tiền lương nhận được.

Chúc bạn thành công!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét